Thịt khô – món ăn không thể thiếu ngày Tết của người Tây Nguyên

Thịt khô – món ăn không thể thiếu ngày Tết của người Tây Nguyên

Ngày tết, trong nhiều gia đình ở Tây Nguyên đều có một vài món ăn gác bếp để thiết đãi khách quý. Cách làm món ăn thịt, cá gác bếp khá đơn giản. Thịt, cá sơ chế sạch được ướp gia vị rồi dùng lạt tre xâu lại thành từng chuỗi, treo dưới dàn bếp. Hằng ngày lúc nấu ăn bằng than củi và các chất đốt tự nhiên, hơi nóng của lửa làm thịt, cá dần chín và khô đi. Thịt, cá để bếp càng lâu thì có màu nâu sẫm và mùi khói đặc trưng; mùi khói, màu thịt càng đậm nghĩa là thịt, cá được gác bếp khá lâu.

Dù thưởng thức theo kiểu thuần túy đập dẹp, chấm với muối ớt, tiêu rừng hay nấu chung với măng rừng, lá bép, lá mì thì thịt, cá vẫn giữ nguyên được vị ngọt ngọt, béo, hòa quện cùng mùi khói đặc trưng và một chút cay nồng của gia vị.

Món ăn đặc trưng mỗi dịp Tết đến Xuân về

Nếu như ngày Tết đối với người miền xuôi có các món ăn đặc trưng như bánh trưng, bánh dày; thì đối với người dân Tây Nguyên, vào dịp Tết; thịt khô là món ăn không thể không có. Thịt khô thường được đồng bào các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên ăn vào các dịp lễ lớn. Đó là một nét văn hóa đặc trưng của người dân Tây Nguyên. Họ thường dùng thịt khô như là món ăn dự trữ cho những ngày mưa và lạnh.

Cách làm món ăn thịt, cá gác bếp khá đơn giản

Đồng bào các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên hiện vẫn đang duy trì nét văn hóa làm thịt khô mỗi dịp Tết. Đặc biệt là đồng bào thuộc các tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Tuy nhiên khấc với ngày xưa; khi thịt khô được làm chủ yếu từ thịt thú rừng; thì ngày nay người dân đã sử dụng đa dạng các loại thịt. Trong đó kể đến như thịt lợn, thịt bò, gà, chuột,… để làm khô.

Quá trình để có được món thịt khô truyền thống

Theo như chia sẻ của người dân nơi đây là bà Ksor H’Chanh; dân tộc Ja Rai thuộc tỉnh Gia Lai như sau. Bao đời nay, thịt khô là một món ăn không thể thiếu của dân bản. Để làm ra được thịt khô, người làm sẽ sử dụng phần thịt thăn, đùi và vai của lợn, bò,… Phần thịt này sẽ được chia thành các thớ. Sau đó sẽ đem đi ướp gia vị truyền thống trong nửa tiếng. Tiếp đến sẽ mang đi treo trên các bếp lửa. Công đoạn này phải được làm nhanh để giảm thời gian thịt tiếp xúc với môi trường, giữ cho thịt tươi.

Người làm sẽ sử dụng phần thịt thăn, đùi làm thịt khô

Thịt tươi sau khi ướp các gia vị sẽ được treo cách bếp lửa chừng gần 50cm theo phân tầng, xiên nào khô trước sẽ được đảo lên trên để các xiên khác cũng chín đều.  Các xiên thịt cứ được trở đều trên bếp như thế khoảng 4 ngày là có thể sử dụng được. Khi ăn, đồng bào sẽ đem thịt nướng chín lại trên bếp than hồng để thịt dậy mùi thơm.

Thịt khô của người Tây Nguyên khi nướng được để nguyên miếng lớn, khi ăn sẽ xé nhỏ theo chiều thớ thịt. Bề ngoài nhìn miếng thịt khô cứng rám mùi khói nhưng khi xé ra, bên trong thịt vẫn còn giữ được độ ướt, mềm. Món thịt khô chấm với muối tiêu rừng xay nhuyễn trộn với sả, ngò gai, ớt, muối hạt sẽ rất hấp dẫn.

Món ăn dân dã ngày Tết

Những ngày cận kề Tết Dương lịch, đồng bào các dân tộc Ja Rai, Ba Na, Ê Đê, Giẻ Triêng, Xê Đăng…ở Tây Nguyên lại quây quần bên nhau cùng làm món thịt khô truyền thống.

Thịt khô là món ăn dân dã, dễ làm song đồng bào ở Tây Nguyên  cũng có những bí quyết riêng để thịt vừa bảo quản được lâu mà vẫn giữ được vị đặc trưng. Thịt khô Tây Nguyên luôn có vị khói đốt từ thân cây cà phê hòa quyện làm điểm nhấn, tạo  nên vị đặc trưng không nơi nào có được.

Tiễn năm cũ qua đi để chào đón một năm mới; đồng bào quây quần bên mái nhà Rông nhấp một “cang” rượu Cần cay nồng; và thưởng thức món truyền thống đậm đà. Tại đây dân làng tập trung nghe già làng kể chuyện lập làng; rồi hòa cùng điệu xoang uyển chuyển trong tiếng cồng chiêng ngân vang. Trong tiết trời se lạnh, mọi người như gần nhau hơn; tiếng cười nói râm ran khắp nơi hứa hẹn một năm mới sum vầy, hạnh phúc.

Trích dẫn từ baotintuc.vn

Nguyễn Nhung

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *