Bánh tét Nam Bộ xuất hiện nhiều nhất trong dịp Tết cổ truyền. Mỗi địa phương sẽ có cách gói bánh, cách làm nhân bánh khác nhau. Nhưng điểm chung là đều có nếp bên ngoài và nhân đậu xanh bên trong, kèm miếng thịt ba chỉ. Một số nơi ngày nay cho thêm đậu đen để làm bánh bùi hơn.
Mục lục
Bánh tét ngày xưa rất “đồ sộ”
Những gia đình Nam Bộ đông con ngày xưa thường gói bánh tét với những đòn bánh rất lớn. Lúc đó, đường kính của một khoanh bánh có khi bằng cả gang tay người lớn. Cân nặng phải tính bằng kg. Nhiều người dùng lá dứa để tận dụng màu xanh lá tự nhiên rồi cho vào bánh. Nếu muốn bánh béo hơn, bóng bẩy hơn thì cho thêm ít nước cốt dừa vào nếp khi làm vỏ bánh.
Gói bánh tét là cả một quá trình
Việc đầu tiên cần làm là chuẩn bị nguyên liệu. Sau đó, nếp cần được ngâm nước rồi vớt ra để ráo. Đậu xanh làm nhân thì loại bỏ vỏ. Chọn miếng thịt hợp với chiều dài của bánh. Có thể ướp thịt với ít muối, tiêu, hành. Thịt làm bánh mềm hơn, béo hơn, cũng như dễ ngấm gia vị hơn khi trong thịt có nhiều mỡ.
Mỗi lần gói bánh chí ít cũng 3 – 4 chục đòn, tuỳ theo khả năng tài chính của mỗi gia đình. Hai đòn cột thành một cặp, có dây quai để xách cho tiện, khi có làm quà tặng bà con một cặp vừa đẹp, vừa hợp với tập quán vì năm mới phải đủ đôi, ý chúc cho bà con đủ vợ, đủ chồng là niềm hạnh phúc thịnh vượng. Bánh khi luộc phải thường xuyên canh lửa, có khi từ đầu hôm luộc suốt đêm đến 4 – 5 giờ sáng mới vớt ra.
Bánh tét miệt vườn đón xuân thường gói vào ngày cuối năm, đêm lại với không khí lành lạnh, mọi người quây quần bên bếp lửa hồng ấm áp canh chừng nồi bánh tét, vừa uống nước trà, vừa trò chuyện râm ran cả đêm. Để bánh mau chín, các bà nội trợ thường áp dụng một số mẹo vặt, vắt chanh vào nếp hoặc ngâm nếp với nước khóm một thời gian chừng vài ba giờ. Không được ngâm lâu, sợ nếp rã thành bột. Lúc gói bánh, xếp lá chuối ở hai đầu, bẻ thành 4 góc rồi nức đòn bằng cọng lát phơi khô cho dẻo.
Những thay đổi theo thời gian
Hiện nay, theo thời hiện đại, cũng có chỗ nức đòn bằng dây chỉ nhựa. Bánh tét nhân chuối cũng được ưa thích, chuối thay cho nhân đậu xanh, đòn nhỏ một trái chuối, còn đòn lớn ba trái chuối xiêm chín có thêm đường để tăng độ ngọt cho nhân, khi chín có màu đỏ tím.
Tét khoanh bánh ra trong lạ mắt, màu đỏ tím chính giữa nổi bật bên ngoài màu nếp trắng phau. Còn một loại bánh tét được chế biến khá đặc biệt nữa là bánh tét thập cẩm, phần nhân được nâng cấp có trứng, tôm khô, lạp xưởng, hạt sen, thịt giò Bắc thảo, đậu phộng, nấm đông trộn chung với nhân đậu xanh. Dĩ nhiên, loại bánh này ăn rất ngon và thực hiện quá công phu.
Trong dịp tết cổ truyền, tiết trời còn hanh lạnh, đôi khi có cả mưa xuân lất phất, bên trong gian nhà sum vầy cùng với những người thân yêu, quây quần đầy đủ, tét bánh lát mỏng xếp trên đĩa ra đãi ăn với thịt kho tàu, chấm nước mắm, kèm củ kiệu, dưa chua thật đậm đà hương vị ngày Xuân.
Chỉ từng ấy thôi, cũng làm nên một mâm cỗ đầy màu sắc, như hội tụ cả đất trời trong không khí giao thời của năm mới.
Bánh tét ra giêng còn dư, nhằm đổi khẩu vị, người ta thường đem chiên với dầu hoặc mỡ phi tỏi, ăn kèm với rau sống chấm nước mắm chua thấy lạ miệng sau khi đã chán các món cao lương mỹ vị. Bánh tét có thể để cả mười ngày, nửa tháng không bị mất phẩm chất.
Ý nghĩa của bánh tét
Theo quan niệm cha ông xưa, những loại bánh, thức ăn sử dụng trong ngày Tết tất cả đều có ý nghĩa thương nhớ người xưa; và cầu chúc cho sự ấm no, sum vầy của gia đình; đồng thời đa tạ trời đất đã cho người dân mùa lúa thuận lợi; và bánh tét cũng không ngoại lệ.
Bánh tét được bọc nhiều lá bên ngoài tượng trưng cho mẹ bọc lấy con; mang mong muốn sum vầy của người Việt vào ngày Tết. Không chỉ vậy, bánh tét xanh nhân đậu màu vàng gợi cho người nông màu xanh của đồng quê; gợi cho ta niềm mơ ước “an cư lạc nghiệp” của một mùa xuân an bình cho mọi nhà.
Xem thêm tin tức về ẩm thực miền Nam tại đây.
Trích dẫn từ amthuc365.vn
Hồng Minh